Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Việc tăng vốn điều lệ là cấp bách hơn bao giờ hết

Đối với các Ngân hàng thương mại Nhà nước, việc tăng vốn điều lệ là cấp bách hơn bao giờ hết vì hệ số an toàn vốn hiện nay đã chạm ngưỡng thiếu an toàn.
he so an toan von da cham nguong thieu an toan
Giao dịch tại một chi nhánh của Vietcombank. Ảnh: UV.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank tại Hội nghị liên quan tới xử lý nợ xấu diễn ra ngày 28-8, cho hay, đối với các Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN), việc tăng vốn là cấp bách hơn bao giờ hết.

Lý do mà ông Thành đưa ra là hiện nay hệ số an toàn vốn, dù chưa áp dụng theo Basel II, đã chạm ngưỡng thiếu an toàn. Nếu áp dụng theo Basel II, tỉ lệ này đã vi phạm ngưỡng an toàn.

"Đây (tăng vốn) là một trong những nhiệm vụ cấp bách của các tổ chức tín dụng", ông Thành nói và kiến nghị Chính phủ cho phép bổ sung vốn điều lệ cho các NHTMNN thông qua cho phép cho NHTMNN được giữ lại cổ tức hàng năm để tăng vốn.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện hệ số an toàn vốn (CAR) của khối ngân hàng thương mại nhà nước là 9,48% (quy định hiện hành là 9%). Nếu không trương tăng vốn điều lệ, thì khi áp dụng theo Basel II, hệ số CAR của các NHTMNN không đạt được yêu cầu tối thiểu về an toàn vốn (quy định mới là 8%). Để đạt chuẩn Basel II, các ngân hàng cần tăng vốn tự có gấp 1,8-2 lần so với hiện tại.

Trong số 4 ngân hàng quốc doanh, trừ Agribank, 3 ngân hàng còn lại là Vietcombank, Vietinbank, BIDV đều đang thí điểm thực hiện tiêu chuẩn Basel II.

Riêng Agribank, dù chưa phải áp dụng Basel II trong giai đoạn thí điểm, song khi Basel II được áp dụng chính thức, thì ngân hàng này cũng sẽ phải chịu áp lực tăng vốn rất lớn. Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐQT Agribank cho hay, Agribank hiện là ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước, do đó, việc tăng vốn điều lệ dựa vào ngân sách nhà nước là chính.

Từ năm 2011 đến nay đến nay, Agribank được cấp 8.300 tỉ đồng; vốn điều lệ hiện nay của ngân hàng là 30.000 tỉ đồng.

"Đây là mức thấp nhất trong nhóm 4 NHTMNN, dẫn tới năng lực tài chính hạn chế, tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp, ảnh hưởng việc triển khai hoạt động kinh doanh, đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn", ông Khánh nói.

Về việc cổ phần hóa Agribank, ông Khánh cho hay, do sự khác biệt về quy mô tài sản, mạng lưới, con người, nên quá trình triển khai cổ phần hóa của Agribank sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

"Với điều kiện các công việc được triển khai tối ưu, không bị trì hoãn thì nhanh nhất cũng phải năm 2020, Agribank mới có thể thực hiện được IPO", ông Khánh cho hay.

Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín thừa nhận, nếu không tăng vốn điều lệ thì các NHTMNN khó có khả năng đáp ứng được hệ số an toàn vốn theo Basel II.

Khi đó, các NHTMNN sẽ phải giảm tín dụng, vì càng tăng tín dụng, hệ số CAR càng giảm nếu vốn chủ sở hữu không tăng.

Do đó, theo ông Tín, dù ngân sách nhà nước hạn hẹp vẫn cần phải chọn ra những ngân hàng hoạt động hiệu quả, quản trị rủi ro tốt như Vietcombank để đầu tư. Trong đó, biện pháp giữ lại cổ tức nhà nước hàng năm để tăng vốn là một biện pháp khả thi hiện nay.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh Cơ quan thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ nâng cao năng lực tài chính cho các NHTMNN, đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu theo Basel II.

Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ chấp thuận về chủ trương, kế hoạch vốn và phương án tăng vốn cho các NHTMNN của từng năm tài chính giai đoạn 2018-2020 và cơ chế tăng vốn để bù đắp mức thiếu hụt vốn dự kiến theo từng năm tài chính của các ngân hàng theo các thứ tự ưu tiên.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị Chính phủ giao bộ Tài chính chủ trì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp nghiên cứu xử lý các vướng mắc pháp lý, báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi các Nghị quyết của Quốc hội hoặc bổ sung vào Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội năm 2019 theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTMNN (ngoại trừ các NHTM mua bắt buộc) và đưa nhu cầu bổ sung vốn cho các NHTMNN vào danh mục đầu tư công trung hạn.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo hai bộ trên lập dự toán chi ngân sách hàng năm cho các khoản mục cấp bổ sung vốn cho các NHTMNN; bố trí nguồn và cấp vốn để các NHTMNN thực hiện phương án tăng vốn sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hệ số an toàn (CAR) là một chỉ tiêu kinh tế phản ánh mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản có điều chỉnh rủi ro của ngân hàng thương mại. Hệ số CAR là thước đo quan trọng để đo mức độ an toàn hoạt động của ngân hàng, được các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ngân hàng thuộc Ủy ban Basel xây dựng và phát triển.

Hệ số đảm bảo an toàn vốn, CAR = Vốn tự có/Tổng tài sản "Có" rủi ro.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét