Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Lượng người đầu tư tiền ảo giảm mạnh

Từ đầu tháng 7 đến nay, không có máy đào tiền ảo nào được nhập khẩu về TP.HCM.
Thời gian qua, việc sử dụng máy đào tiền ảo có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phức tạp trong công tác quản lý, dễ bị các đối tượng trục lợi, lừa đảo. Mới đây nhất, công ty đa cấp đào tiền ảo Sky Mining nghi lừa đảo hơn 5.000 nhà đầu tư với số tiền ước tính hơn 800 tỉ đồng.
trau cay tien ao trung quoc dong loat that nghiep
Thời hoàng kim đã hết
Sau hàng loạt vụ lừa đảo kiểu như trên, lượng người đầu tư tiền ảo giảm mạnh khiến nhiều nhà máy (còn gọi là chuồng trâu) ngừng hoạt động, hoang phế; máy đào tiền ảo (còn gọi là trâu cày) mốc meo, thậm chí bán sắt vụn cũng không có người mua.
Trước đây anh Quang Tình (quận 9, TP.HCM) là một tay kinh doanh máy đào tiền ảo kiêm thi công lắp đặt chuồng trâu nhưng khi gặp lại chúng tôi, anh buồn bã cho biết đang thất nghiệp.
Theo anh Tình, thời hoàng kim của đào tiền ảo đã hết. Lúc đồng tiền ảo bitcoin lên đỉnh gần 20.000 USD/bit, giá mỗi máy đào tiền ảo lên tới 80-100 triệu đồng/máy. Nay khi đồng bitcoin lao dốc và hiện chỉ còn khoảng 6.300 USD/bit, giá máy đào cũng tuột dốc không phanh, chỉ còn trên dưới 17 triệu đồng/máy mà không ai dám mua đầu tư.
"Hiện nay một trâu cày mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 2-4 USD tùy vào cấu hình của máy đào, trong khi riêng chi phí tiền điện đã ngốn hết 3 USD/ngày/máy. Chuồng trâu của tôi và một số anh em hùn vốn đầu tư đã rút điện, tạm ngưng hoạt động. Vì đào không có lời, thậm chí tiếp tục đào sẽ lỗ do đồng bitcoin và các đồng tiền ảo khác tiếp tục rớt giá thê thảm" - anh Tình than thở.
Ông Nguyễn Hưng (thợ đào tại quận Tân Bình, TP.HCM) cũng thừa nhận hoạt động đầu tư đào tiền ảo tại Việt Nam (VN) đang cầm chừng vì bị thắt chặt từ đầu vào lẫn khai thác không hiệu quả. "Hiện nay máy đào tiền ảo không còn nhập về cảng TP.HCM. Điều này khiến nguồn cung máy đào bị tắc, muốn sửa chữa, thay thế các trâu già cày tiền ảo cũng không thể" - ông Hưng dẫn chứng.
Còn anh T. (Một thợ đào tiền ảo) chỉ tôi một số chuồng trâu cày tiền ảo bỏ hoang tại quận Thủ Đức, TP.HCM. Thậm chí một số chuồng mới đầu tư nhưng do chi phí đầu vào quá lớn vì mua máy đào lúc giá cao cũng ngậm đắng dừng thi công.


Hàng loạt chuồng trâu cày tiền ảo bỏ hoang, trâu cày tiền ảo "thất nghiệp".
Giải pháp "diệt" đa cấp lừa đảo
Sau khi đề xuất tạm ngưng nhập máy đào tiền ảo, mới đây Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính đề xuất Bộ Công Thương bổ sung quy định cấm các hoạt động sản xuất, lắp ráp máy xử lý dữ liệu tự động đào tiền ảo tại VN.
Theo giải thích của Tổng cục Hải quan, đề xuất này nhằm đảm bảo thống nhất trong công tác quản lý, tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng sản xuất, lắp ráp các loại máy xử lý dữ liệu tự động phục vụ cho mục đích đào tiền ảo.
Đây được xem là giải pháp mạnh nhằm chặn tiền ảo kiểu đa cấp lừa đảo. Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng việc tạm dừng nhập hay cấm sản xuất, lắp ráp máy đào tiền ảo không giải quyết được vấn đề đa cấp lừa đảo tiền ảo. Vì có những công ty đa cấp không hề sử dụng máy đào tiền ảo mà tự "vẽ" ra một đồng tiền ảo, tự tạo một sàn giao dịch tiền ảo để lừa đảo các nhà đầu tư nhẹ dạ cả tin. Nhiều công ty đầu tư tiền ảo, nhà đầu tư máy đào tiền ảo hoạt động ngầm, giao dịch chui qua các ứng dụng giao dịch quốc tế.
Do vậy, ông Hiếu vẫn bảo lưu quan điểm thay vì cấm, để quản lý hoạt động tiền ảo, VN cần có quy định cụ thể về tiền ảo, định nghĩa rõ ràng tiền ảo là gì và có chế tài đối với từng trường hợp. Bên cạnh đó, buôn bán đa cấp được nước ta cho phép và họ có thể dùng tiền ảo như sản phẩm. Vì vậy, để ngăn chặn xử lý những công ty đa cấp tiền ảo lừa đảo thì cần kiểm tra chặt các công ty đa cấp đăng ký hoạt động liên quan tiền ảo, nếu vi phạm phải mạnh tay chế tài.
Đồng tình, ông Nguyễn Trường Sơn (giám đốc một công ty công nghệ thông tin tại TP.HCM) cũng cho rằng cấm thì cũng khó có thể quản lý được các hình thức đầu tư tiền ảo, đặc biệt là đa cấp tiền ảo bất chính. Vì vậy, Nhà nước nên xem xét cho thành lập sàn giao dịch tiền ảo và quản lý thật chặt. Thông qua sàn giao dịch này có thể thu được phí chuyển tiền, thuế giao dịch…, đồng thời bảo đảm an toàn cho người gửi và người nhận, giám sát được các giao dịch, hoạt động rửa tiền.
"Đối với các công ty đầu tư tiền ảo, công ty đa cấp, cơ quan chức năng cần giám sát, quản lý chặt các hoạt động huy động vốn, tổ chức hội nghị, hội thảo kêu gọi đầu tư tiền ảo. Các hoạt động này chỉ được tổ chức khi có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền" - ông Sơn góp ý.
Máy đào tiền ảo bất ngờ ngừng nhập về TP.HCM
Theo thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM, riêng trong sáu tháng đầu năm nay, có gần 5.000 bộ xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo nhập khẩu về TP.HCM. Số máy này do năm doanh nghiệp nhập khẩu, số còn lại do các cá nhân, tổ chức không có mã số thuế nhập khẩu. Phần lớn máy đào tiền ảo nhập khẩu từ nhà sản xuất Bitman (Trung Quốc), được các tổ chức, cá nhân nhập khẩu chủ yếu qua đường chuyển phát nhanh, bưu chính hoặc hàng không.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 tới nay, các tổ chức và cá nhân đã ngừng nhập khẩu máy đào tiền ảo về TP.HCM. Động thái này diễn ra sau khi hàng chục ngàn người nghi bị lừa vì đa cấp tiền ảo và Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ không cho nhập khẩu máy đào bitcoin.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây cũng cho biết sau khi có thông tin người dân một số TP lớn mua máy đào bitcoin, xảy ra các vụ việc lừa đảo tiền ảo, bán hàng đa cấp qua tiền ảo…, Chính phủ đã giao các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý phù hợp.
nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét