Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

Minh Phú: Chúng tôi không được thông báo về hệ thống tiêu chuẩn đánh giá riêng của Mỹ

 Ông Phan Vinh Hiển, Giám đốc Đầu tư Tập đoàn Minh Phú, Mỹ không thông báo cho Minh Phú về tiêu chuẩn mới này. Đến tận khi CBP đưa thông báo sẽ áp thuế chống bán phá giá công ty mới biết đến tiêu chuẩn đó.

Mới đây, Cơ quan Hải quan Mỹ (CBP) cho rằng Minh Phú (Mã: MPC) đã vi phạm lệnh thuế chống bán phá giá đang áp trên tôm Ấn Độ. Quyết định này được đưa ra sau một cuộc điều tra được thực hiện bởi CBP. 

Theo đó, sản phẩm tôm xuất khẩu bởi Minh Phú từ Việt Nam đến Mỹ sẽ phải chịu lệnh thuế chống bán phá giá như tôm Ấn Độ.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với người viết, ông Phan Vinh Hiển, Giám đốc Đầu tư Tập đoàn Minh Phú cho biết CBP đã tự thiết lập một tiêu chuẩn đánh giá riêng của họ về phương pháp phân tách tôm, rồi quả quyết rằng Minh Phú đáng lí ra phải sử dụng công cụ này để truy xuất tôm nguyên liệu.



"Họ không thông báo cho chúng tôi về tiêu chuẩn mới này. Đến tận khi CBP đưa thông báo sẽ áp thuế chống bán phá giá chúng tôi mới biết đến tiêu chuẩn đó

Đồng thời, CBP cũng không chấp nhận phương pháp quản lý truy xuất nguồn gốc mà MPC đã và đang sử dụng từ hơn 4 năm qua", vị này cho biết. 

Đại diện của MPC cho hay bắt đầu từ tháng 1/2019, Mỹ bắt đầu có hệ thống giám sát hàng nhập khẩu. Tôm bắt buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn này thì mới được phép nhập khẩu vào Mỹ. Kể từ đó, tôm Minh Phú vẫn đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn này và được phép xuất khẩu sang Mỹ. 

"Điểm đáng nói, hệ thống tiêu chuẩn của Mỹ đang không khớp nhau nên dẫn đến sự việc tôm Minh Phú bị áp thuế chống bán phá như tôm Ấn Độ. Họ nói mình vi phạm và họ yêu cầu mình chứng minh là mình không vi phạm. 

Nhưng ngược lại bản thân họ lại không chứng minh được là mình vi phạm", ông Hiển nói.

Đại diện của Minh Phú cho biết  trước đó công ty đã chủ động hợp tác và có lời mời, nhưng CBP đã không sang Việt Nam và không thực hiện việc thẩm tra tại thực địa. Mọi hồ sơ chỉ làm online.

Vị này thông tin thêm Minh Phú sẽ có 30 ngày để nộp đơn kháng cáo và phía Mỹ có phản hồi trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được đơn. 

"Nếu phán quyết cuối cùng của CBP bất lợi cho Minh Phú, chúng tôi sẽ tiếp tục khởi kiện lên tòa án quốc tế", ông Hiển nói.

Thông tin đến người viết về vụ việc này, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), cho hay cơ quan này để có văn bản báo cáo lên lãnh đạo Bộ nhằm có phương án xử lí và đang được xem xét. 

Minh Phú cho hay  từ cuối tháng 7/9, tập đoàn đã ngừng hoàn toàn việc nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ, bởi vì nguồn nguyên liệu trong nước hoàn toàn có khả năng cung ứng đầy đủ và liên tục cho các nhà máy. 

Hiện tại, Minh Phú đang vận hành mô hình nuôi tôm Công nghệ cao tại 2 vùng nuôi của mình là: Minh Phú Kiên Giang (600 ha) và Minh Phú Lộc An (300 ha). 

Ngoài ra, trong nhiều năm qua, Minh Phú đã thiết lập mạng lưới liên kết và cung ứng tôm trải rộng khắp khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nam Bộ, với đa dạng mô hình nuôi tôm bền vững, như 100.000 ha nuôi tôm công nghiệp, 25.000 ha nuôi tôm sinh thái rừng ngập mặn, cùng hơn 10.000 ha diện tích nuôi Tôm-Lúa.

Nguồn: https://vietnambiz.vn/minh-phu-chung-toi-khong-duoc-thong-bao-ve-he-thong-tieu-chuan-danh-gia-rieng-cua-my-20201023160924238.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét