Thứ Tư, 11 tháng 11, 2020

Xu hướng đưa đồ gỗ nội thất lên sàn thương mại điện tử

Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ nội thất có thể tích hợp trưng bày sản phẩm như một showroom trên nền tảng online. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức về chi phí đầu tư và nỗi lo về đánh mất bản quyền thiết kế.

Tại Hội thảo "Giao dịch thương mại trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) và các vấn đề pháp lí quan trọng", ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư kí Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) đã có cuộc chia sẻ về việc đưa đồ gỗ nội thất lên sàn TMĐT.

Xu hướng đưa đồ gỗ nội thất lên sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư kí Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM. (Ảnh: HAWA).

Ông Phương cho biết, Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ, sau Trung Quốc, Đức, Ý, Ba Lan, chiếm 6% thị phần toàn cầu. Các thị trường xuất khẩu gỗ chủ lực của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc.

Theo vị đại diện HAWA, hiện Việt Nam là nước đang phát triển và xuất khẩu đồ gỗ. Với tầm nhìn đến năm 2025 cho cột mốc 20 tỉ USD, Việt Nam có thể leo lên vị trí thứ hai, thứ ba thế giới.

Xu hướng TMĐT trong ngành gỗ & đồ nội thất

Đại diện HAWA cho biết, đồ nội thất là món đồ cần sự trải nghiệm nhiều, tuy nhiên ở những nước lớn như Trung Quốc, Mỹ thì việc ứng dụng TMĐT để mua đồ nội thất rất phổ biến. Nhờ đó mà xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang các thị trường này vẫn tăng trưởng bất chấp dịch COVID-19 trong thời gian qua và kì vọng tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Ngành gỗ Việt Nam phần lớn giao dịch qua kênh B2B (hình thức mua bán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp). Tuy nhiên, ông Phương cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã thúc đẩy xu hướng TMĐT phát triển nhanh chóng hơn.

Theo khảo sát của MC Kinsey & Company (5/2020), xu hướng chuyển đổi của khách hàng từ hình thức bán hàng truyền thống sang bán hàng trực tuyến đã tăng lên 2 - 3 lần.

Trải nghiệm mua hàng trực tuyến đồ gỗ nội thất

Trước những cơ hội mà TMĐT mang lại, doanh nghiệp cần thích ứng và vận dụng nhanh chóng các ứng dụng virtual showroom, 3D Scanning, Digital cataloge vào khâu bán hàng, nhờ đó có thể tăng doanh thu và phát triển cùng với xu thế của thế giới.

Hiện tại, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, nội thất có thể trưng bày sản phẩm, kết nối giao thương với các nhà mua hàng trong và ngoài nước thông qua nền tảng online.

Xu hướng đưa đồ gỗ nội thất lên sàn thương mại điện tử - Ảnh 2.

Một không gian trưng bày được số hóa, khách hàng có thể tham quan showroom, tìm kiếm sản phẩm chi tiết bằng cách trải nghiệm giống như đến cửa hàng thực sự. Đồng thời, chi tiết, thông tin của sản phẩm được hiển thị nếu khách hàng mong muốn. (Ảnh: Hope Fairs).

Tuy nhiên, khi tiếp cận với những ứng dụng TMĐT như thế này, doanh nghiệp gặp phải những thách thức chủ quan như về tầm nhìn và văn hóa doanh nghiệp, về nhân lực để đầu tư vào digital sales, marketing, IT và liệu doanh nghiệp có chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để đầu tư hay không.

Thêm vào đó, việc công khai thiết kế khiến doanh nghiệp dễ bị đánh mất dữ liệu riêng của mình, cũng như doanh nghiệp có thể hoài nghi về hành vi của khách hàng mua sắm trên nền tàng. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) khẳng định, mặc dù TP HCM và Hà Nội là hai thành phố lớn, chiếm trên 70% các giao dịch trên sàn TMĐT nhưng đâu đó vẫn còn các doanh nghiệp chậm chạp tiếp cận với TMĐT, khiến cho hoạt động kinh doanh bị tê liệt.

Xu hướng đưa đồ gỗ nội thất lên sàn thương mại điện tử - Ảnh 3.

Mỗi ngày có hơn 3,5 triệu lượt khách truy cập vào sàn TMĐT tại Việt Nam. (Nguồn: VECOM)

Theo đại diện VECOM, doanh nghiệp Việt có rất nhiều cơ hội để tiếp cận với sàn TMĐT, những nền tảng sẽ dẫn dắt sự phát triển TMĐT trong tương lai sẽ rất đa dạng, trong đó nhóm Tiki, Lazada, Shopee và Sendo có hơn 4 triệu lượt truy cập mua mỗi ngày. Hay Alibaba với nền tảng B2B có hơn 5 triệu lượt truy cập/ngày. Và 100 triệu lượt truy cập mỗi ngày của Amazon, hoạt động rộng khắp trên 18 quốc gia.

Nguồn: https://vietnambiz.vn/xu-huong-dua-do-go-noi-that-len-san-thuong-mai-dien-tu-20201110171450872.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét