Nhiều gian hàng đua nhau giảm giá dịp cuối năm, nhưng không khí không sôi động như những mùa Black Friday trước.
Hàng hóa giảm giá 'khủng' tới 80% dịp Black Friday
Ngày Black Friday hay "Thứ Sáu đen" là một trong những ngày lễ mua sắm lớn nhất trong năm, đặc biệt là đối với các thương hiệu thời trang.
Tuy nhiên, dưới tác động tiêu cực của dịch COVID-19, các mặt hàng tiêu thụ chậm nên chương trình giảm giá "khủng" kéo dài từ tháng này sang tháng khác. Trên hầu khắp các tuyến phố ở Hà Nội, các biển quảng cáo giảm giá từ 10-80% tràn ngập từ cửa hàng quần áo cho đến giày dép, túi xách, các đồ công nghệ.
Ghi nhận trên các tuyến phố thời trang Xuân Thủy, Cầu Giấy, Liễu Giai, chiều 22/11, dù ngày cuối tuần là dịp lí tưởng để mua sắm nhưng lượng khách tới các cửa hàng thời trang khá vắng vẻ, cho dù ở ngoài cửa hàng treo biển giảm giá lên tới 80%.
Tại cửa hàng thời trang Germ (Xuân Thủy) chương trình Black Friday bắt đầu từ 20-30/11, chị Vân, một khách hàng tới mua sắm tại đây cho biết: "Trước kia cứ tới dịp này tôi phải chen chân để lựa đồ mỗi khi mua sắm cuối tuần. Năm nay, tuy cửa hàng chạy chương trình tới hết tháng nhưng tôi để ý khách tới mua không nhiều dù hàng hóa rất đa dạng".
Tại chuỗi cửa hàng thời trang Ivy Moda (Cầu Giấy), một khách hàng cho biết chị đã tới lựa đồ khá lâu nhưng cuối cùng phải ra khỏi cửa hàng mà không chọn được sản phẩm ưng ý nào.
Một nhân viên tại cửa hàng này cho biết họ vẫn đang chạy chương trình giảm giá cho ngày lễ tri ân thầy cô tới hết 22/11 với việc giảm giá tới 50% toàn bộ hệ thống cửa hàng và đồng giá sản phẩm 99.000 đồng. Khi được hỏi về chương trình Black Friday, nhân viên cho biết chưa thấy có thông tin về sự kiện này.
Tại cửa hàng thời trang Lucas, các mặt hàng tại đây đang chạy chương trình Black Friday giảm giá từ 10-80%. Chị Ngân, một nhân viên bán hàng tại đây chia sẻ chương trình này của cửa hàng sẽ triển khai đến hết 27/11, ngoài chương trình giảm giá "khủng" và tích điểm cho khách hàng thân thiết, cửa hàng cũng không có chiếc lược bán hàng nào khác.
"Tôi thấy dịp Black Friday năm ngoái khách hàng tới mua sắm nhộn nhịp hơn so với năm nay. Để thu hút khách hàng tới mua sắm, cửa hàng chúng tôi có nhập về các sản phẩm mới, hầu hết là váy, túi xách và giày nữ, tất cả đều giảm giá 10%. Ngoài ra các sản phẩm cho mùa thu xuân giảm giá từ 30-50%, sản phẩm mùa hè giảm giá từ 50-80%", chị Ngân nói.
Tại trung tâm mua sắm Vincom Metropolis (Liễu Giai), các gian hàng thời trang thương hiệu lớn như Uniqlo, Puma hay Maison đều vẫn đang chạy chương trình khuyến mãi cho ngày tri ân thầy cô buổi cuối tuần.
Chị Hằng, một khách hàng tới mua sắm tại Uniqlo chia sẻ hiện tại gia đình chị đang thắt chặt chi tiêu và nhu cầu mua sắm quần áo cũng không lớn nên dù cửa hàng có chương trình giảm giá khá hấp dẫn chị cũng phải cân nhắc lựa chọn.
Ngoài các cửa hàng thời trang có chương trình giảm giá "khủng", các cửa hàng mĩ phẩm, công nghệ, đồ chơi cho trẻ em cũng đang chạy chương trình Black Friday giảm giá mạnh. Đơn cử như cửa hàng CellphoneS giảm giá thiết bị âm thanh (loa, tai nghe) tới 30%, các phụ kiện cáp sạc, ốp lưng, pin dự phòng giảm giá 60%...
Cửa hàng mĩ phẩm Sammi Shop chạy chương trình giảm giá tới 70% các mặt hàng từ sản phẩm chăm sóc da cho tới sản phẩm trang điểm, các dụng cụ hỗ trợ trang điểm như cọ, bông mút...
Các sản phẩm đồ chơi trẻ em trong chuỗi Funnyland cũng đang được giảm giá tới 80% áp dụng từ 16-30/11.
Black Friday tại TP HCM - một cuộc chơi "đa sắc"
Nhìn chung, đại dịch COVID-19 đã tạo một áp lực lớn lên thu nhập và tâm lí người tiêu dùng trong năm 2020 và càng về cuối năm, thời điểm tập trung nhiều chương trình khuyến mãi lớn, sức mua yếu của người tiêu dùng lại càng bộc lộ rõ hơn.
Tuy nhiên, khác với không khí ảm đạm tại Hà Nội, mùa mua sắm Black Friday tại TP HCM lại đa dạng sắc thái hơn, bất kể là tại các trung tâm thương mại lớn hay ở các chung cư và tuyến phố thời trang thu hút giới trẻ.
Tại Vincom Đồng Khởi ngay trung tâm quận 1, các cửa hàng thời trang ở phía trên không treo nhiều biển khuyến mãi Black Friday, thậm chí một số thương hiệu như H&M vẫn còn chạy chương trình giảm giá tri ân thầy cô giáo (22/11). Song, càng đi xuống các lầu dưới, không khí Black Friday càng thể hiện rõ dù lượng khách ra vào lác đác và sức mua không mạnh.
Khách mua hàng chủ yếu đổ dồn về các cửa hàng giày dép và túi xách như Charles & Keith, Havaianas hoặc cửa hàng thời trang trẻ em như H&M Kids. Chị Hạnh (23 tuổi), nhân viên một gian hàng tại Vincom Đồng Khởi cho biết có nhiều yếu tố khiến dịp mua sắm Black Friday năm nay không nhộn nhịp như các năm trước.
"Ai cũng hiểu rõ tác động kinh tế của dịch COVID-19 đối với túi tiền của người tiêu dùng. Năm nay, mọi người chi tiêu dè sẻn, thắt chặt hầu bao hơn, thường họ chỉ mua sắm các mặt hàng thiết yếu hoặc hàng hóa có khả năng sử dụng trong thời gian dài", chị Hạnh nói.
"Black Friday năm nay diễn ra sát các dịp khuyến mãi, kích cầu mua sắm không kém hoành tráng khác như Ngày Độc thân (11/11), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) và sắp tới đây là lễ Giáng sinh và đầu năm mới. Do đó cũng dễ hiểu khi sức mua hàng thời trang trong đợt Black Friday không mạnh", nữ nhân viên bán hàng lí giải.
Đối diện Vincom Đồng Khởi, cửa hàng của thương hiệu thời trang Nhật Bản Uniqlo cũng chung không khí. Khoảng 19h ngày cuối tuần (21/11), khách hàng chỉ xuất hiện lác đác, theo từng tốp nhỏ. Nhìn chung, họ chỉ tập trung vào các gian hàng giảm giá mạnh hoặc khu vực thời trang trẻ em trên lầu.
Qua trao đổi, một nữ khách hàng đi cùng con trai 5 tuổi (ngụ tại quận 3) cho hay ngành nghề kinh doanh của gia đình chị ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nên thu nhập không giảm mạnh và gia đình vẫn dư dả để đi mua sắm vào các dịp cuối tuần hoặc lễ. Đơn cử như vào Ngày Độc thân vừa qua, chị "chốt đơn" đến gần 20 triệu đồng qua mua sắm trên Shopee và mua hàng online.
Song, vị khách hàng trên cho biết không phải gia đình nào cũng may mắn như thế. Chị cho biết một số bạn bè hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn chịu ảnh hưởng khá nhiều, thậm chí bị mất việc và thu nhập giảm mạnh, dẫn đến chi tiêu mua sắm cũng bị bó hẹp hơn.
"Chị tin là người dân Việt Nam chưa bao giờ trải qua một cú sốc kinh tế như năm nay, ảnh hưởng còn lớn hơn đợt khủng hoảng năm 2009, mà khi đó chị đang là sinh viên năm hai đại học", nữ khách hàng bày tỏ.
Không khí mua sắm tại Saigon Center (tức Takashimaya) nhộn nhịp hơn hẳn và các khu vực mặt tiền cũng như sảnh chính của trung tâm thương mại này đã trang trí Giáng sinh.
Theo chia sẻ của nam nhân viên bán hàng tên M. Đăng tại Saigon Center, cuối năm nay thương hiệu mĩ phẩm của anh tập trung lực kích cầu mua sắm trong dịp Lễ Giáng sinh và đầu năm mới (gồm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán) hơn là Black Friday vì không kì vọng sức mua sẽ tăng đáng kể trong đợt này.
Qua quan sát, khách hàng đổ về Saigon Center đông hơn một chút so với Vincom Đồng Khởi, song phân tán không đều giữa các cửa hàng.
Họ chủ yếu tìm đến các gian hàng giảm giá sâu, khuyến mãi sập sàn như giày dép, túi xách, đồ mẹ và bé. Đỉnh điểm, gian hàng bán túi xách đồng giá của thương hiệu LEMINO thu hút rất đông khách đến lựa chọn hàng và càng gần thời điểm kết thúc giờ vàng, lượng người đổ về càng đông.
Không khí mua sắm Black Friday tại hai hội chợ đình đám của giới trẻ Sài Thành dường như nhộn nhịp hơn hẳn. Cuối tuần vừa, Hello Weekend Market đã tổ chức phiên chợ mua sắm từ chiều ngày 20/11 đến hết cuổi tuần tại trung tâm thương mại Pearl Plaza (quận Bình Thạnh).
Cuối tuần này, Hello Weekend Market sẽ mở phiên chợ "chốt sale" Black Friday cho các bạn trẻ tại sân vận động Hoa Lư và công viên Lê Thị Riêng trong ba ngày 27-29/11.
Khu mua sắm dưới lòng đất đầu tiên của TP HCM, The New Playground, cũng tung khuyến mãi đến 70%. Dạo qua các gian hàng, lượng khách đổ về không quá đông, nhưng không khí tương đối thư giãn.
Ở diễn biến khác, tại một số chung cư cũ vốn là thiên đường shopping của các tín đồ thời trang như 26 Lý Tự Trọng (quận 1) và 14 Tôn Thất Đạm (quận 1), các bạn trẻ đến mua sắm theo từng tốp nhỏ, không quá đông đúc song lượng khách đổ về đều, nhân viên bán hàng của một số cửa hàng cho hay.
Một nữ sinh viên năm 2 của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM chia sẻ: "Theo em, không khí mua sắm như thế này là vừa ổn, không cần phải chen chúc mua hàng sale như năm ngoái".
"Ngoài ra tận cửa hàng mua quần áo, mình còn tranh thủ săn sale online. Hiện nay các shop thời trang, mĩ phẩm rất ưu tiên hình thức mua sắm online và chi tiền quảng cáo rất mạnh tay", một nam sinh viên năm cuối của Đại học Kiến trúc TP HCM cho hay.
Trong khi đó, tại ba tuyến phố thời trang đình đám ở TP HCM gồm Võ Văn Tần, Nguyễn Trãi và Huỳnh Văn Bánh, chúng tôi nhận thấy các cửa hàng không bày nhiều bảng khuyến mãi Black Friday bên ngoài nhưng lại chạy quảng cáo khá dày trên Facebook cũng như tham gia sale trên các ứng dụng mua sắm như Shopee.
Chủ một cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi (gần chợ Nguyễn Thái Bình) cho biết người tiêu dùng trẻ tuổi đang dần quen với mua sắm trực tuyến nên nhiều thương hiệu bắt đầu đẩy mạnh chạy quảng cáo nhắm vào nhóm khách hàng tiềm năng này.
"Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng nhạy với mua sắm trực tuyến. Cùng với sự bùng nổ của các ứng dụng mua sắm như Shopee và Tiki, họ lại càng chuộng hình thức này hơn. Sau đợt giãn cách xã hội vừa qua, gần 57% đơn hàng của cửa hàng mình là đơn đặt online nên mình đang tập trung chạy quảng cáo và điều phối nhân viên cho mảng bán online hơn", chủ cửa hàng trên cho hay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét