Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

Thị trường dầu mỏ trước kịch bản dư cung nếu ông Biden đắc cử

 Nếu thị trường dầu mỏ cần thêm một yếu tố bất ổn khác cho năm nay, chiến thắng của ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden có thể là nhân tố X mà thị trường đang tìm kiếm.

Thị trường dầu mỏ trước kịch bản dư cung nếu ông Biden đắc cử - Ảnh 1.

Thị trường dầu mỏ có thể phải đối với kịch bản dư cung nghiêm trọng nếu ông Biden đắc cử. (Ảnh minh họa. Nguồn: Axios)

Tổng thống Trump thường sử dụng các lệnh trừng phạt với ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran để gây áp lực lên nước này. Trái với chiến thuật của ông Trump, kế hoạch của ông Biden lại mềm mỏng hơn.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ cam kết sẽ nối lại quan hệ ngoại giao Washington - Tehran và đưa Iran trở lại thỏa thuận hạt nhân. Đó là trong trường hợp Iran tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân như đã từng khi ông Biden còn là "phó tướng" của Tổng thống Barack Obama.

Theo oilprice.com, nếu Mỹ và Iran quay trở lại con đường ngoại giao dưới thời Tổng thống Biden, có khả năng các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu mỏ của đất nước Trung Đông này sẽ được nới lỏng.

Nếu kịch bản trên thành hiện thực, Iran có thể bơm khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày trở lại thị trường.

Các nhà phân tích lập luận, dù khả năng đó sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều, thị trường dầu mỏ toàn cầu hiện vẫn quá yếu để có thể xử lí thêm 2 triệu thùng dầu/ngày từ Iran, đặc biệt là trong bối cảnh mức tiêu thụ dầu mỏ sẽ không trở lại mốc trước đại dịch cho đến cuối năm 2021.

Khả năng Iran bơm một phần hoặc toàn bộ lượng dầu xuất khẩu của nước này ra thị trường trong vòng một năm cũng là cơn đau đầu cho OPEC+. Liên minh dầu mỏ đang cố gắng kiềm chế nguồn cung dầu với hi vọng thị trường toàn cầu sẽ nhanh chóng cân bằng trở lại và nâng giá dầu thô lên.

Iran, hiện không bị chi phối bởi thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC+, có thể gây khó khăn cho nỗ lực của Arab Saudi. Vương quốc dầu mỏ này đang dẫn dắt OPEC+ kiểm soát nguồn cung ra thị trường nên việc Iran bơm thêm 2 triệu thùng dầu/ngày có thể tạo áp lực khiến giá dầu giảm xuống.

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã báo hiệu rằng ông sẽ tìm cách nối lại quan hệ ngoại giao với Iran nếu lãnh đạo của nước Cộng hòa Hồi giáo tuân thủ nghiêm ngặt Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), tức thỏa thuận hạt nhân mà Iran từng tham gia.

"Tehran phải quay lại và tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận JCPOA. Nếu họ chấp nhận, tôi sẽ gia nhập lại thỏa thuận và cam kết tăng cường hợp tác ngoại giao với các đồng minh để củng cố và mở rộng JCPOA, đồng thời kiềm chế các hoạt động gây bất ổn khác của Iran", ông Biden tuyên bố trên tạp chí Foreign Affairs hồi đầu năm nay.

Gần đây hơn, vào tháng 9, ông Biden chia sẻ trên CNN như sau: "So với thái độ cứng rắn của Tổng thống Trump với Iran, tôi có cách thông minh hơn".

"Tôi sẽ tạo cho Tehran một hướng đi ngoại giao đáng tin cậy. Nếu họ quay lại tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận hạt nhân JCPOA, Mỹ cũng sẽ trở lại. Đây sẽ là điểm khởi đầu để các bên đàm phán sâu hơn", ông Biden tiếp tục.

Nhiều khó khăn trước mắt

Oilprice.com cho biết có một số yếu tố có thể trì hoãn việc trở lại thị trường của dầu mỏ Iran. Nếu nhu cầu dầu thô phải đến năm 2022 mới phục hồi thì thời gian trì hoãn này càng lâu, tác động đến quá trình cân bằng của thị trường và giá dầu càng giảm.

Chính quyền của ông Biden cũng khó có thể kéo Iran quay lại thỏa thuận hạt nhân "trong một sớm một chiều".

Nếu ứng viên Đảng Dân chủ đắc cử, chính quyền của ông có lẽ sẽ muốn đợi đến khi cuộc bầu cử tổng thống Iran vào tháng 6/2021 kết thúc, sau đó mới tìm cách đàm phán với các nhà cầm quyền mới về thỏa thuận hạt nhân và khả năng nới lỏng lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Iran.

Hơn nữa, chính quyền ông Biden có thể sẽ phải tính đến ảnh hưởng của kế hoạch trên đối với các đồng minh của Mỹ trong khu vực, ví dụ như Arab Saudi, nếu như họ muốn nối lại quan hệ ngoại giao với Iran.

Bà Karen Young của Viện Doanh nghiệp Mỹ (trụ sở tại thủ đô Washington) bình luận: "Sử dụng các lệnh trừng phạt dầu mỏ như một công cụ đàm phán trong năm 2021 là một ý tưởng tồi vì các nhà xuất khẩu dầu mỏ khác ở Trung Đông sẽ phản ứng lại".

Nhìn chung, chính quyền của Tổng thống Biden có rất nhiều yếu tố cần phải xem xét nếu muốn nối lại quan hệ ngoại giao với Iran.

Tuy nhiên, nếu Mỹ chọn dỡ bỏ bớt một số lệnh trừng phạt với ngành dầu mỏ Iran vào năm tới, thị trường dầu mỏ và OPEC có thể phải đối mặt với nguồn cung dư thừa 2 triệu thùng/ngày từ đất nước Trung Đông này. Bất ổn hơn là thị trường chưa thể đánh giá hết tác động của khả năng tiềm năng này.

Nguồn: https://vietnambiz.vn/thi-truong-dau-mo-truoc-kich-ban-du-cung-neu-ong-biden-dac-cu-20201102170738139.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét