Doanh nghiệp xuất khẩu tiêu Việt Nam đứng trước nguy cơ bể hợp đồng vì hàng chỉ bán lưu thông trong giới đầu cơ, đại lý và người dân chứ không về đến tay người xuất khẩu.
Giá tiêu trong nước tháng 2 tăng 1.000 – 3.500 đồng/kg so với tháng 1, dao động trong khoảng 53.000 – 55.500 đồng/kg. Đà tăng bứt phá hơn khi bước sang tháng 3, giá tiêu đã tăng lên tới 66.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, việc giá tiêu tăng nóng như hiện nay khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc thu mua hàng, thậm chí đứng trước nguy cơ bể hợp động. Để làm rõ hơn vấn đề này, người viết có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Hiên Phó TGĐ Công ty Cổ phần TM DV XNK Trân Châu, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA).
Nguyên nhân của đợt tăng giá này là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Hiên: Giá tiêu tăng nóng thời gian gần đây chủ yếu dân không muốn bán ra. Nếu dân bán ra thì đại lý cũng ôm cũng không chịu bán. Nhìn chung hàng nằm trong tay dân và đầu cơ, không đến được tay doanh nghiệp xuất khẩu.
Doanh nghiệp xuất khẩu tiêu Việt Nam đứng trước nguy cơ bể hợp đồng vì hàng chỉ bán lưu thông trong giới đầu cơ, đại lý và người dân chứ không về đến tay người xuất khẩu.
Trong khi đó, hơn 90% hồ tiêu Việt Nam tiêu thụ qua đường xuất khẩu.
Việc giá tiêu tăng, giảm là chuyện bình thường trên thị trường nhưng đại lý phải bán ra thì mới có thể điều tiết xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa thay vì chỉ bán qua tay từ người này qua người khác ở trong nước, thổi giá cao mà không thể xuất khẩu đi nước ngoài.
Doanh nghiệp xoay xở hàng để xuất đi như nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Hiên: Tình hình như hiện nay quá khó khăn cho doanh nghiệp, không chỉ đối với Trân Châu và toàn bộ doanh nghiệp xuất khẩu tiêu.
Đợt tăng giá năm ngoái còn có “người khóc người cười” do vẫn còn một vài doanh nghiệp mua được giá thấp để giao cho khách hàng nhưng năm nay ai cũng phải “khóc” hết.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu từ đầu năm đến nay gần như ngồi chơi. Nếu mua vào lúc này rất mạo hiểm vì giá quá cao. Không doanh nghiệp nào dám mua vào vì sợ giá có thể đảo chiều bất kỳ lúc nào.
Trong khi trước đó, các doanh nghiệp xuất khẩu đã ký hợp đồng với khách hàng nhưng ở mức giá thấp, đến lúc giao hàng thì không thu mua được tiêu hoặc phải mua với giá rất cao và chịu thua lỗ. Dự kiến trong tháng 3, xuất khẩu tiêu không được nhiều.
Sản lượng tiêu Việt Nam được dự báo giảm 20%. Có nhiều tin đồn cho rằng nguồn cung đang bị thiếu hụt nhiều do Việt Nam đang chiếm gần 60% thị phần thế giới. Ông đánh giá thế nào vấn đề này?
Ông Nguyễn Tấn Hiên: Thời tiết năm nay lạnh nên tiêu chín chậm hơn một tháng kéo theo thời điểm sau tết không có hàng. Các doanh nghiệp xuất khẩu chưa mua được hàng. Nhiều tin đồn cho rằng năm nay cung sẽ thiếu hụt so với nhu cầu do sản lượng giảm.
Thế nhưng, nhìn chung cung vẫn cao hơn so với nhu cầu. Nhu cầu hồ tiêu của thế giới hiện nay khoảng 500.000 tấn trong khi đó nguồn cung năm 2021 cộng thêm tồn kho của những năm trước khoảng 600.000 tấn.
Đơn hàng như mọi năm, thậm chí có lúc ít hơn năm ngoái vì một số khách hàng vẫn còn tồn kho.
Đợt tăng giá vào cuối tháng 5 năm ngoái dễ hiểu vì lúc đó thu hoạch hồ tiêu đã kết thúc. Ngoài ra, giá tiêu trước đó quá thấp, chỉ 37.000 - 39.000 đồng/kg nên. Do đó, việc giá bật tăng sau thời gian dài ở mức thấp là điều hợp lý.
Nhưng hiện nay đang chính vụ thì tại sao lại có chuyện đó? Vừa qua giá tiêu Việt Nam ở trong khoảng 53.000 - 55.000 đồng/kg thì cũng ở mức tương đối. Cái gì tăng cũng phải lộ trình tăng đứng như này bất thường.
Ông có khuyến cáo thế nào đối với người trồng tiêu?
Ông Nguyễn Tấn Hiên: Người dân nên cẩn trọng, không nên tham lam quá mà cần hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp bởi trên 90% lượng tiêu của Việt Nam được tiêu thụ qua xuất khẩu.
Người dân đừng mong chờ giá tiêu có thể lên 100.000 đồng/kg mà bỏ lỡ cơ hội vàng như hiện tại. Đương nhiên, giá tiêu có thể lên 70.000 - 80.000 đồng/kg nhưng không phải ở giai đoạn này mà sẽ rơi vào thời điểm Việt Nam đã thu hoạch xong, thiếu hàng.
Trong khi đó hiện nay, trung bình mỗi ngày thu hoạch được 4.000 - 5.000 tấn. Với tốc độ như hiện nay, còn khoảng 40 ngày nữa là hoàn thành thu hoạch.
Nguồn hàng đang rất nhiều chứ không phải thiếu đến mức giá tiêu bị đẩy lên quá nóng, một ngày thậm chí giá có thể tăng tới 4.000 - 5.000 đồng/kg/ngày.
Đó là dấu hiệu không ổn định, không bền vững. Giá tăng hiện nay người dân vẫn có lợi nhưng cần cân đối với cả lợi ích của doanh nghiệp xuất khẩu.
Việc không xuất được hàng ảnh hưởng thế nào đến thị phần xuất khẩu tiêu của Việt Nam trên thế giới?
Ông Nguyễn Tấn Hiên: Nếu doanh nghiệp Việt Nam không xuất được hàng, các nước đối thủ như Brazil sẽ tận dụng cơ hội sẽ bán. Điều này dẫn đến Việt Nam mất khách hàng. Trên thực tế, ngành tiêu đã có bài học tương tự từ đợt tăng giá tiêu năm ngoái.
Khi khách hàng đã đủ hàng thì nhu cầu sẽ sụt mạnh và giá tiêu thế giới cũng lao dốc theo, khi đó, ngành tiêu Việt Nam đã mất cơ hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét