Trong tháng 1, Nedspice Việt Nam đứng với lượng xuất khẩu hạt tiêu đạt 1.780 tấn, tiếp theo là Olam Việt Nam đạt 1.668 tấn.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), lần đầu tiên sau nhiều tháng, các doanh nghiệp FDI vươn lên đứng top đầu trong những doanh nghiệp xuất khẩu tiêu nhiều nhất Việt Nam.
Cụ thể, trong tháng 1, Nedspice Việt Nam đứng với lượng xuất khẩu hạt tiêu đạt 1.780 tấn, tiếp theo là Olam Việt Nam đạt 1.668 tấn. Trong những tháng trước đây, Nedspice lần lượt duy trì ổn định ở vị trí 2 và 4.
VPA cho biết đây cũng là 2 doanh nghiệp duy nhất có lượng xuất khẩu khẩu trên 1.000 tấn. Đứng ở vị trí tiếp theo là Phúc Sinh với 981. Trong khi đó, Trân Châu, doanh nghiệp đứng đầu bảng trong nhiều tháng liên tiếp, đã tụt xuống vị trí thứ 6 với 782 tấn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 1/2021 đạt 18 nghìn tấn, trị giá 51 triệu USD, giảm 13,2% về lượng và giảm 11,1% về trị giá so với tháng 12/2020, nhưng so với tháng 1/2020 tăng 21,9% về lượng và tăng 41,7% về trị giá.
Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu trong tháng 1/2021 ước đạt 2.833 USD/tấn, tăng 2,4% so với tháng 12/2020 và tăng 16,2% so với tháng 1/2020.
Trao đổi với người viết ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA nhận định doanh nghiệp FDI có thị trường khác hẳn so với các doanh nghiệp trong nước. Đây là lợi thể của của doanh nghiệp nước ngoài, ngay cả khi cùng chịu cảnh thiếu container và dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới.
Ông Hải cho hay tình trạng thiếu container và dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu trong thời gian qua.
Hồi đầu tháng 12/2020, chia sẻ những khó khăn do tình trạng thiếu hụt container, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho biết công ty ông chịu ảnh hưởng lớn từ điều này.
Theo đó, lượng xuất hàng giảm 40%. Chi phí vận tải tăng gấp 300%. Trong khi đó, nhu cầu xuất hàng của Trung Quốc lớn khiến lượng container cho các doanh nghiệp Việt Nam không có nhiều.
"Chúng tôi phải chiến đấu với các hãng container hàng ngày. Phương án trước mắt của Phúc Sinh là chuyển từ bán từ hình thức CNF sang FOB. Bên cạnh đó, chúng tôi hạn chế thu mua tiêu để tránh việc dư hàng", ông Thông nói.
Để giải quyết phần nào khó khăn của ngành hồ tiêu hiện tại, ông Hải cho biết hiện VPA đang tính đến việc mở rộng tiêu thụ nội địa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét