Bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết tính đến giữa tháng 12, riêng tại Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm 25%. Tính chung các thị trường xuất khẩu, kim ngạch giảm tới 30%.
Giữa tháng 11, thành phố Thượng Hải yêu cầu tất cả thực phẩm đông lạnh nhập khẩu có nguy cơ cao được lưu trữ, chế biến và bán tại thành phố này phải vào kho quá cảnh để xét nghiệm COVID-19 và khử trùng bao bì việc giao hàng sẽ được thực hiện trực tuyến.
Điều này ảnh hưởng đến việc xuất khẩu các mặt hàng đông lạnh của Việt Nam. Trong đó, mặt hàng cá tra được đánh giá là một trong những mặt hàng chịu tác động nhiều nhất.
Để làm rõ những thiệt hại mà ngành cá tra mà gánh chịu, chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).
Trung Quốc đang siết chặt việc kiểm dịch COVID-19 hàng đông lạnh nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đã kiểm soát rủi ro dịch bệnh thế nào, thưa bà?
Việc xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn khi Trung Quốc siết chặt việc kiểm dịch COVID-19 các các mặt hàng thực phẩm đông lạnh. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước mặc dù Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp sản xuất đều có quy trình kiểm dịch chặt chẽ từ vùng nguyên liệu đến khử trùng tại khu chế biến.
Các doanh nghiệp thậm chí mời Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh của địa phương đến kiểm tra và xác nhận không tồn tại virus COVID-19 tại nhà máy và các sản phẩm.
Sau khi ra cảng, các lô hàng tiếp tục được kiểm tra, khử trùng. Toàn bộ hồ sơ quy trình đó sẽ được gửi tới các nhà nhập khẩu.
Tính đến thời điểm hiện tại, việc Trung Quốc siết chặt kiểm dịch tác động thế nào đến xuất khẩu mặt hàng này, thưa bà?
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam không có trường hợp hàng hóa nhiễm COVID-19. Trong khi đó, nhiều nước khác như Ecuador, Nga buộc phải tạm dừng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc do phát hiện virus COVID-19 trên một số lô hàng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đợi kết quả test từ Trung Quốc và quá trình này mất rất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, quá trình này kéo dài gấp 3 lần bình thường. Theo đó, thông thường việc thông quan chỉ mất 10 ngày nhưng hiện tại quá trình này kéo dài 30 - 40 ngày, tùy từng địa phương. Bên cạnh đó, chi phí cho mỗi container hàng cũng tăng lên 3-4 lần lên 2.000 - 3.000 USD.
Điều này kéo theo kim ngạch xuât khẩu cá tra giảm mạnh. Tính đến giữa tháng 12, riêng tại Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm 25%. Tính chung các thị trường xuất khẩu, kim ngạch giảm tới 30%. Thị trường Trung Quốc hiện chiếm 40% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Thông thường thời gian khoảng tháng 11, tháng 12 các nhà nhập khẩu tăng cường mua hàng để phục vụ cho dịp têt nhưng hiện tại chưa thấy gì nên rất lo lắng. Do chi phí tăng cao và thời gian chờ đợi quá lâu nên các nhà nhập khẩu Trung Quốc không còn muốn đặt hàng.
Theo bà đại dịch COVID-19 sẽ tác động thế nào đến ngành cá tra năm 2021?
Đại dịch COVID-19 tác động quá lớn cho ngành cá tra do kênh phân phối chủ yếu là trường học, bệnh viện, bếp ăn tập thể chứ không đi theo đường bán lẻ như các mặt hàng khác.
Do đó, nếu COVID-19 kéo dài đến năm giữa 2021 thì ngành cá tra vẫn chịu thiệt hại. Cho đến giờ, ngành cá tra trông đợi vào thị trường Trung Quốc bởi hồi tháng 10, thị trường này đã tăng mua trở lại, tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chắc chắn rằng thị trường trung quốc vẫn siết chặt nhập khẩu và kiểm dịch. Hơn thế nữa, người tiêu dùng Trung Quốc hiện có xu hướng thích sử dụng sản phẩm cá tra tươi ở thị trường nội địa bởi họ nghĩ rằng các sản phẩm đông lạnh có nguy cơ chứa virus COVID-19.
Trong bối cảnh xuất khẩu cá tra đang ngày một khó khăn, bà đánh giá thế nào về tiềm năng tiêu thụ sản phẩm này ở thị trường nội địa?
Lâu nay các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu, chưa quan tâm đến thị trường nội địa một cách đúng mức. Với thị trường gần 100 triệu dân, tôi cho đây là tiềm năng lớn.
Người tiêu dùng trong nước chưa biết rằng Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới. Chúng tôi mong muốn xây dựng thương hiệu cá tra cho thị trường trong nước để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm tốt như thị trường nước ngoài.
Chúng tôi sẽ cố gắng quảng bá sản phẩm cá tra tại các hội trợ thủy sản tổ chức hàng năm vào tháng 8.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét