Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương cho rằng doanh nghiệp cần hạn chế tối đa nhập khẩu nguồn gỗ từ những quốc gia trong danh sách thiếu an toàn về xuất xứ gỗ.
Ngành gỗ liên tiếp đối diện nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại
Thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết năm 2020 là năm đặc biệt đối với ngành gỗ. Về xuất khẩu, ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đặc biệt trong quý II và III của năm nay.
Tính đến hết tháng 11/2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt trên 11 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên ngành gỗ là mặt hàng thuộc top bị điều tra phòng vệ thương mại từ các nước.
Từ đầu năm đến nay, ngành hàng liên tiếp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Mỹ, từ Hàn Quốc. Cụ thể, ngày 1/3, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chính thức tiếp nhận đơn khởi kiện của Liên minh Thương mại công bằng gỗ dán cứng Mỹ.
Tiếp đó ngày 6/9, DOC đã quyết định khởi xướng điều tra, gửi bản câu hỏi khảo sát về số lượng và giá trị xuất khẩu ván dán sang Mỹ cho 55 doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, ngày 26/5/2020, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc đã quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với ván dán nhập khẩu từ Việt Nam từ 9,18 - 10,65%. Thời hạn áp dụng mức thuế từ ngày 29/5 đến ngày 28/9/2020.
Gần đây nhất, Cơ quan đại diện Thương mại của Mỹ cáo buộc ngành gỗ Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp tại thị trường nội địa và trong sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ theo Điều khoản 301 Luật Thương mại 1974 về việc định giá thấp đồng nội tệ và hoạt động xuất khẩu gỗ đối với Việt Nam.
Tại Hội nghị Tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Hiện tại, chúng ta đã có thể yên tâm. Chúng ta tìm đủ mọi cơ sở để giải thích rằng Mỹ không được áp thuế Việt Nam".
Dự kiến, Việt Nam sẽ đàm phán với Mỹ đối với mặt hàng gỗ vào ngày 6/1/2021, Thủ tướng cho hay.
Giải quyết nghi ngờ nguồn gốc gỗ từ Mỹ
Chia sẻ với người viết, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát Triển Sản Xuất Thương Mại Sài Gòn (SADACO
Nguyên nhân ông Mạnh chỉ ra là các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sang các nước phương Tây như châu Âu, Mỹ chủ yếu được sử dụng gỗ ôn đới nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ, Pháp, Đức...hoặc gỗ mềm từ Chile, New Zealand, Australia. Đây là những nơi có xuất xứ rõ ràng, minh bạch và có chứng nhận xuất xứ.
"Mỹ không thể gian lận xuất xứ nguyên liệu khi xuất sang Việt Nam", ông Mạnh nhấn mạnh và tự tin nguồn gốc gỗ từ các thị trường này sẽ hợp pháp.
Còn với các loại gỗ nhiệt đới nhập khẩu từ Lào, Campuchia, Nam Phi...ông Mạnh cho biết phần lớn được dùng sản xuất sản phẩm đồ gỗ nội địa hoặc xuất sang các nước Đông Nam Á, châu Á.
"Việt Nam chỉ sử dụng nguyên liệu cho sản phẩm xuất khẩu là gỗ rừng trồng như tràm bông vàng, keo, cao su còn gỗ nhiệt đới lại không được người tiêu dùng nước ngoài ưa chuộng", đại diện Sadaco lý giải.
Đồng thời ông cho biết: "Hiện nay Việt Nam đang giải trình về việc này. Tôi tin là phía Mỹ cũng hiểu rõ điều này. Trước đó Việt Nam cũng đã từng giải trình cho châu Âu về vấn đề nguồn gốc gỗ và họ đã hiểu nên với Mỹ lần này, nên mình cần kiên trì, giải thích tốt và phân biệt rõ các vấn đề".
Trong đó, vấn đề quan trọng mà ông Mạnh lưu ý đó là nguồn gốc nguyên liệu gỗ Việt Nam càng ngày càng minh bạch.
Trong khi đó, theo báo Pháp Luật TP HCM, tại hội thảo “Tăng cường kiểm soát rủi ro trong các hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ” ngày 21/12, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương (Bifa), đưa ra cảnh báo việc Mỹ mở cuộc điều tra theo Điều khoản 301 Luật Thương mại.Theo đó, 95% vụ kiện hầu như đều trở thành hiện thực, nghĩa là 95% ngành chế biến gỗ của chúng ta dự báo sẽ bị áp thuế. Nếu bị áp thuế với mức 25% thì ngành công nghiệp chế biến gỗ chấm dứt thời kỳ phát triển liên tục trong thời gian vừa qua.
Chia sẻ với người viết, ông Điền Quang Hiệp chỉ ra nguyên nhân phía Mỹ khởi xướng điều tra nguồn gốc gỗ Việt Nam là do Việt Nam nhập khẩu nhiều nguồn gỗ từ châu Phi dẫn đến phía Mỹ nghi ngờ trong lượng gỗ đó có số lượng lớn bất hợp pháp.
"Mặc dù Hải quan kiểm tra rất kỹ, 100% đều có giấy tờ hợp pháp nhưng phía Mỹ phân vùng một số quốc gia ở châu Phi không an toàn, nếu chúng ta nhập khẩu ở những nước đó họ sẽ xếp chúng ta vào nhóm nhập khẩu gỗ có nguy cơ bất hợp pháp. Đã có nguy cơ thì là có rủi ro và nhập nhiều bao nhiêu thì nguy cơ này càng lớn", ông Hiệp cho biết.
Với cáo buộc đưa ra, Mỹ yêu cầu Việt Nam giải quyết câu chuyện này còn nếu không sẽ đánh thuế Việt Nam, Chủ tịch Bifa thông tin.
Theo đó, ông Hiệp cho rằng doanh nghiệp cần hạn chế tối đa nhập khẩu nguồn gỗ từ những quốc gia trong danh sách thiếu an toàn. Nếu vẫn nhập thì tuyệt đối không dùng hành vi gian lận như đút lót, hối lộ để có giấy phép.
"Nếu làm được hai câu chuyện này thì lượng nhập khẩu từ nguồn không an toàn sẽ giảm mạnh mẽ thì sẽ giải quyết cơ bản bài toán khiếu kiện này", ông Điền Quang Hiệp nhận định.
Đánh giá về tác động của việc này, ông Hiệp cho rằng: "Đây là vấn đề rất lớn và tối qua các Hiệp hội gỗ đã có phiên điều trần với Bộ thương mại Mỹ thông qua hình thức trực tuyến.
Các Hiệp hội đảm bảo các doanh nghiệp xuất khẩu không tham gia việc nhập khẩu gỗ từ các quốc gia thiếu an toàn, do đó, đảm bảo gỗ xuất khẩu qua Mỹ không trộn lẫn các loại gỗ đó. Đồng thời cam kết cùng Chính phủ tìm biện pháp khống chế vấn đề gỗ bất hợp pháp".
Ngoài ra, để tạo hành lang pháp lý chuẩn mực cho ngành gỗ trước áp lực cạnh tranh và các vụ kiện chống bán phá giá, mới đây nhất ngày 1/9, Chính phủ ban hành Nghị định 102 quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Theo đó, nghị định quy định rõ việc quản lý gỗ xuất, nhập khẩu. Gỗ xuất, nhập khẩu phải bảo đảm hợp pháp, được làm thủ tục xuất, nhập khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
Quản lý gỗ xuất, nhập khẩu được thực hiện trên cơ sở áp dụng biện pháp quản lý rủi ro để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm gỗ nhập khẩu hợp pháp.
"Mình sẽ đưa ra các điều kiện nghiêm ngặt hơn để hạn chế tối đa nhập khẩu nguồn gỗ rủi ro, không an toàn. Và Các Hiệp hội đã chứng minh với Bộ Thương mại Mỹ các hành động, cũng như thiện chí để họ hiểu mình có ý thức bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên thế giới", ông Hiệp nhấn mạnh.
Nguồn: https://vietnambiz.vn/go-viet-du-co-so-giai-trinh-voi-my-ve-nguon-goc-hop-phap-20201229115719272.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét