Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

Tiki lỗ 3,8 tỷ đồng, thấp nhất kể từ khi VNG rót vốn

 VNG bắt đầu rót vốn vào sàn thương mại điện tử (TMĐT) Tiki kể từ tháng 2/2016. Tính tới hết tháng 12/2020, VNG sở hữu 22,23% cổ phần tại Tiki. Sau năm 2019 lỗ kỉ lục, Tiki đã gần đạt tới điểm hòa vốn trong năm 2020.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của CTCP VNG, vào ngày 31/12/2020, công ty tiếp tục giữ  tỷ lệ sở hữu 22,27% đối với CTCP Ti Ki. Trước đó khi kết thúc quý 2/2020, VNG đã giảm tỷ lệ sở hữu còn 22,23% đối với sàn thương mại điện tử gốc Việt.

VNG bắt đầu rót vốn vào trang thương mại điện tử Tiki kể từ ngày 2/2/2016. Báo cáo trên cũng cho biết Tiki ghi nhận lỗ sau thuế 3,84 tỷ đồng trong năm 2020. Đây là khoản lỗ thấp nhất kể từ khi công ty được VNG đầu tư.

Trước đó, trong năm tài chính 2019, Tiki ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 1.765,5 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của VNG đối với trang TMĐT này đạt 24,25%.

Tiki ghi nhận khoản lỗ thấp nhất 3,8 tỷ đồng kể từ khi VNG rót vốn - Ảnh 2.

Lợi nhuận/Lỗ sau thuế của Công ty cổ phần Tiki. (Bảng biểu: Tường Vy tổng hợp từ BCTC).

Tiki ghi nhận khoản lỗ thấp nhất 3,8 tỷ đồng kể từ khi VNG rót vốn - Ảnh 3.

Tỷ lệ sở hữu của VNG đối với Tiki từ 2016 - 2020. (Bảng biểu: Tường Vy tổng hợp từ BCTC).

Nhìn vào biểu đồ trên, qua các năm, VNG càng giảm tỷ lệ sở hữu đối với Tiki. Năm 2016, khi mới bắt đầu rót vốn, VNG sở hữu 38% cổ phần. Tới 2020, tỷ lệ sở hữu của VNG giảm xuống còn 22,27%.

Tiki được thành lập từ tháng 3/2010 và hiện là một trong những trang thương mại điện tử nội địa lớn nhất tại thị trường Việt Nam và được điều hành bởi ông Trần Ngọc Thái Sơn, nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Hiện Tiki cũng như các trang thương mại điện tử khác của Việt Nam đang chịu sức cạnh tranh khốc liệt từ các hãng ngoại lớn như Shopee (của SEA Group) hay Lazada (đứng đằng sau là Alibaba Group).

Trong năm 2020, Tiki và trang thương mại điện tử nội địa khác là Sendo đã có ý định sáp nhập, tuy nhiên kế hoạch bất thành do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đối với VNG, Tập đoàn cho biết COVID-19 đã đem đến rất nhiều thách thức cho hoạt động kinh doanh và trở thành rào cản lớn đối với quá trình mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài. 

Trong 5 năm tiếp theo, VNG đã vạch ra một số mục tiêu. Cụ thể trong ngắn hạn, VNG sẽ đạt 320 triệu người dùng toàn cầu, 32 triệu người dùng cho các sản phẩm mới và 320.000 khách hàng doanh nghiệp ở cột mốc năm 2023.

Nguồn: https://vietnambiz.vn/tiki-lo-38-ty-dong-thap-nhat-ke-tu-khi-vng-rot-von-2021042316132349.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét