Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

Dệt may trầy trật bước qua năm COVID, cửa sáng liệu có mở trong năm 2021?

Sau hàng chục năm tăng trưởng liên tục, xuất khẩu dệt may Việt Nam đã phải đối diện với những khó khăn chưa từng chỉ vì COVID-19. Bước sang năm 2021, liệu ngành hàng chủ lực này đã hết năm "hạn"?
Dệt may trầy trật bước qua năm COVID, cửa sáng liệu có mở trong năm 2021? - Ảnh 1.

2020 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam khi thị trường có nhiều biến động phức tạp, khó dự báo. Dưới tác động của dịch COVID-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày.

Số liệu của Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 11 tháng ước đạt 26,73 tỉ USD, giảm 10,5% so với cùng kì. Kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kĩ thuật khác ước đạt 400 triệu USD, giảm 26,8%; xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại ước đạt 3,29 tỉ USD, giảm 13,5% so với 11 tháng năm ngoái.

Dệt may trầy trật bước qua năm COVID, cửa sáng liệu có mở trong năm 2021? - Ảnh 2.
Dệt may trầy trật bước qua năm COVID, cửa sáng liệu có mở trong năm 2021? - Ảnh 3.

Bộ Công thương cho rằng đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm sau 25 năm tăng trưởng liên tục. 

"Cơn khủng hoảng" này thể hiện rõ nét ở kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Đơn cử như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - Mã: VGT), theo công bố của công ty dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của hầu hết các đơn vị thành viên trong Tập đoàn đều sụt giảm dẫn đến kết quả quí III thấp.

Lũy kế 9 tháng đầu năm doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VTG giảm lần lượt 23,4% và 23,5%. LNST thuộc về công ty mẹ cũng giảm 40,6% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Tương tự, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) ghi nhận doanh và thu thuần tháng 11 giảm lần lượt 13% và 59%. Theo đó, tổng doanh thu của TNG 11 tháng giảm lần lượt 3% và 29% so với cùng kì năm 2019. 

Hay với Công ty cổ phần May Sông Hồng (Mã: MSH) cũng sụt giảm 14% doanh thu 9 tháng đầu năm còn lợi nhuận chưa bằng một nửa so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Bộ Công Thương dự báo tổng trị giá xuất khẩu của ngành dệt may năm nay sẽ đạt khoảng 33,5 - 34 tỉ USD, giảm hơn 3 tỉ USD (tương đương 14 - 15%) so với năm trước, nhưng cao hơn dự báo trước đó vào tháng 4 là chỉ đạt 30 - 31 tỉ USD.

Nguyên nhân sụt giảm chủ yếu do nhu cầu sản phẩm dệt may chững lại vì dịch COVID-19, khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh. Điều này khiến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do đơn hàng khan hiếm.

Dệt may trầy trật bước qua năm COVID,  - Ảnh 2.

Dệt may là một trong những ngành hàng chịu tác động nặng nề trong năm 2019 vì dịch COVID-19. (Ảnh: MSH)

Chia sẻ bên lề Diễn đàn thương mại Việt Nam - Mỹ giữa tháng 11, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đánh giá năm 2020 là một năm đầy thách thức đối với ngành công nghiệp dệt may Việt Nam. Dịch COVID-19 gây áp lực rất lớn với ngành hàng với 3 khó khăn lớn mà chưa năm nào ngành dệt may phải đối mặt.

Thứ nhất, cơ cấu các mặt hàng giảm đột ngột và giảm sâu, đặc biệt là sản phẩm veston, sơ mi, giảm 80 - 90%.

Thứ hai là cơ chế đàm phán và thanh toán cũng xoay chuyển 180 độ khi sức mua toàn cầu giảm, áp lực lên cả nhà nhập khẩu nên họ đưa ra phương thức thanh toán trả chậm, thậm chí có những đơn hàng trả chậm đến 5 tháng đã tạo nên áp lực rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam về việc trả chi phí lãi vay ngân hàng, trả lương cho người lao động.

Thứ ba là áp lực về phương pháp kinh doanh truyền thống đã xoay chuyển, buộc doanh nghiệp phải phát triển mẫu, ý tưởng mẫu đều tập trung trên manghj internet và phương thức đàm phán cũng diễn ra trên website, zalo, wechat...

Ngoài ba thách thức trên, Chủ tịch VITAS nhấn mạnh thêm về việc nguồn cung thiếu hụt từ hồi quý I/2020 cũng đã tạo ra thách thức rất lớn cho trong thời gian gián đoạn giao thương,

"Nhiều nước nhập khẩu nguyên liệu không có đường bay thẳng sang Việt Nam, buộc doanh nghiệp phải đặt đơn hàng đi đường vòng nên đã đội giá thành lên cao. Đồng thời áp lực lớn nhất vẫn là sự ổn định công ăn việc làm cho người lao động trong năm 2020", ông Giang chỉ ra.

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội cho rằng ngành dệt may đã vượt qua được giai đoạn đầy khó khăn khi cộng đồng doanh nghiệp dệt may đã chuyển biến phương pháp trong kinh doanh, đặc biệt là phương pháp đàm phán, cũng như giải pháp thích ứng với thương mại toàn cầu.

Dệt may trầy trật bước qua năm COVID, cửa sáng liệu có mở trong năm 2021? - Ảnh 5.

Theo ông Vũ Đức Giang, tình hình đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực của đại dịch còn có thể kéo dài trong 1 - 2 năm tới. Theo dự báo, năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

"Nếu chưa có vắc xin thì sức mua toàn cầu sẽ tiếp tục "dặm chân tại chỗ" và thậm chí giảm sâu vào năm 2021. Tôi cho rằng tình hình thương mại có thể ảnh hướng đến năm 2022, khả năng hồi phục phải đến 2023 chứ không thể một sớm một chiều có thể hồi phục được và đây cũng là thách thức của dệt may Việt Nam", ông Giang nhận định.

Đồng thời lưu ý rằng trong bối cảnh đó ngành hàng sẽ phải tiếp tục xoay chuyển tình thế, tìm kiếm giải pháp thích ứng chiến lược để vượt qua thách thức của COVID-19 và hướng đến mục tiêu năm 2021 của xuất khẩu dệt may là khoảng 39-40 tỉ USD.

Dệt may trầy trật bước qua năm COVID,  - Ảnh 3.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam. (Ảnh: Như Huỳnh).

Theo đó, một trong những "tia hy vọng" của ngành hàng trong năm 2021 đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được kí kết hồi giữa tháng 11/2020.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết Hiệp định này sẽ mang tới nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Đặc biệt, khác với các hiệp định khác, tại Hiệp định RCEP, quy tắc xuất xứ lại là một “điểm cộng” tương đối dễ dàng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đối với Hiệp định RCEP, ngành dệt may sẽ được mở ra một thị trường lớn với mức độ cam kết ít khắt khe hơn, yêu cầu dễ chịu hơn so với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

Hơn nữa, trong khối Hiệp định RCEP có một số nước là thành viên của Hiệp định CPTPP sẽ hóa giải những khó khăn, thách thức đến từ nguyên liệu "đầu vào", vì sẽ giúp bổ trợ phần nguyên liệu bị thiếu hụt trong nước hiện nay.

Đặc biệt, Hiệp định RCEP sẽ giải quyết được một số vấn đề lớn cho doanh nghiệp ngành dệt may khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam, cơ hội rộng mở với thị trường tỷ dân này. 

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng là một thị trường tiềm năng, nếu như trước đó, hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN và Nhật Bản, thì nay với Hiệp định RCEP, hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

"Đây là hiệp định chúng tôi kỳ vọng vào hơn tỷ dân của khối hiệp định thương mại này sẽ tạo ra động lực và thay thế một số thị trường mà đại dịch COVID-19 vẫn chưa kiểm soát được và đang ảnh hướng lớn đến thị trường của dệt may Việt Nam như châu Âu", ông Giang cho hay.

Ngoài ra, với EVFTA, dệt may Việt Nam đã gỡ được điểm nghẽn nghiêm ngặt về sử dụng vải trong hiệp định bằng việc chính thức ký kết Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa hai nước trong EVFTA.

Theo thông tin của Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn cho biết trong 5 năm qua, Việt Nam nhập khẩu lượng vải từ Hàn Quốc lớn thứ hai, sau Trung Quốc, mức độ trung bình lên tới 2 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng từ 17-18% tổng kim ngạch nhập khẩu vải của Việt Nam/năm. Riêng Việt Nam có 30% lượng vải sản xuất trong nước, 70% lượng vải nhập khẩu.

"Nay với Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc về triển khai điều khoản cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải giữa hai nước trong Hiệp định EVFTA, thì hàng may từ Việt Nam vào EU có tỷ lệ đáp ứng quy tắc xuất xứ tới 50%.

Điều này là hết sức thuận lợi cho dệt may Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu vào EU. Các doanh nghiệp sẽ cân nhắc sử dụng nhiều hơn vải từ Hàn Quốc bên cạnh lượng vải được sản xuất tại Việt Nam để thực hiện các đơn hàng vào EU, đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải”, ông Trường chia sẻ.

Hiện tại Việt Nam mới chiếm khoảng 3% thị phần. Với hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, dự báo xuất khẩu giày sẽ tăng 50% và dệt may tăng 67% vào 2025.

Bên cạnh đó, theo báo Đầu tư nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư xây dựng các khu công nghiệp dệt may và triển khai các dự án quy mô lớn tại Việt Nam.

Điển hình như Tập đoàn Texhong (Hong Kong) đã triển khai Dự án Khu công nghiệp và nhà máy xơ sợi ở Khu công nghiệp Hải Hà (Quảng Ninh). 

Ngoài ra, còn một loạt dự án lớn khác, như Dệt Pacific Crystal đầu tư tại Khu công nghiệp Nam Sách và Khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương); Dự án nhà máy sản xuất sợi và vải Xindadong Texttiles Dung ở Quảng Ngãi; hay Eclat Fabric Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu…

Việc thu hút được các dự án đầu tư trong lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ giải bài toán xuất xứ nguyên liệu hàng hóa trong thời gian tới, điều này sẽ giúp dệt may tận dụng tốt các ưu đãi của các FTA đã ký kết.

Nguồn: https://vietnambiz.vn/det-may-tray-trat-buoc-qua-nam-covid-cua-sang-lieu-co-mo-trong-nam-2021-20201207153828341.htm 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét